Đọc và viết ở đại học

Kết thúc thời học trò ngây ngô, hồn nhiên và ngấp nghé bước chân vào giảng đường đại học, ai mà lại chẳng thấy hào hứng, mong đợi xen lẫn chút hồi hộp nhỉ?

Từ tiểu học lên trung học cơ sở, từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông, giai đoạn nào cũng đòi hỏi chúng ta phải thay đổi để thích nghi với môi trường học tập mới. Nhưng có lẽ, giai đoạn chuyển tiếp từ bậc phổ thông lên đại học là cần nhiều sự thay đổi nhất.  Rất nhiều bạn sinh viên gặp khó khăn với việc đọc và viết văn học thuật (academic reading and writing) khi vào đại học. Không giống như khi học trung học, bài viết học thuật thường sẽ theo một cấu trúc, văn phong, và cách diễn đạt cụ thể, đôi lúc, khiến bài bị phức tạp hóa và trở nên khó hiểu hơn.

Với các du học sinh, việc phát triển kĩ năng đọc và viết học thuật còn khó khăn hơn gấp đôi. Không chỉ vì chủ đề đó không được viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, mà bản thân cách viết thôi cũng đã biến bài đọc thành một thứ ngôn ngữ hoàn toàn mới.

Này, đừng vội hoang mang nhé, Tree nghĩ vài tips nhỏ dưới đây có thể giúp bạn chuẩn bị tốt hơn cho quá trình học tập ở đại học đấy:

  1. Bắt đầu khám phá về lĩnh vực bạn sắp phải “va chạm” qua phần Tóm tắt và các từ khóa

Một lý do mà các sinh viên – cả quốc tế lẫn bản địa – đều gặp khó khăn trước những bài viết học thuật nằm ở ngôn từ và cách diễn đạt. Mỗi chủ đề học thuật đều có những lý thuyết, thuật ngữ chuyên môn, và cấu trúc bài viết, khiến cho bài đọc trở nên “khó nuốt” hơn rất nhiều. Thay vì mở một cuốn sách và đọc ngay, bạn hãy bắt đầu với phần tóm tắt (abstracts) và nắm bắt các từ khóa quan trọng trong bài nghiên cứu đó.

Abstract là phần mô tả ngắn, thường được đặt ở đầu mỗi bài viết khoa học. Abstracts cung cấp cho người đọc một cái nhìn tổng quát về nội dụng của bài viết, từ mục đích đến kết quả của nghiên cứu. Bạn sẽ không học hỏi được nhiều từ phần abstract, nhưng nó sẽ giới thiệu cho bạn những khái niệm quan trọng xuyên suốt bài viết cũng như tóm gọn các lý thuyết mà tác giả sử dụng theo cách đơn giản nhất.

Ngoài ra, điểm qua một số từ khóa quan trọng cũng là một cách hay để bạn bắt đầu xây dựng vốn từ vựng học thuật cho bản thân. Bạn sẽ không chỉ bắt gặp những từ ngữ này ở bài viết mình sắp đọc nhưng còn ở những lĩnh vực liên quan. Khi gặp một từ mới xa lạ, hãy tra từ điển và ghi chú lại khái niệm này.

Đọc và viết ở đại học

Source: Google

  1. Tìm kiếm các bản dịch

Tiếng Anh là một ngôn ngữ đầy thách thức, với vô số từ lóng (slang words), biệt ngữ địa phương (regional dialect), và cả những cách chơi chữ hay được người bản địa sử dụng. May mắn thay, các bài viết học thuật đều tránh sử dụng những cách diễn đạt này, thay vào đó tập trung vào việc đưa ra các lập luận và dẫn chứng. Tuy nhiên, khi đọc một bài viết học thuật, chìa khóa để nắm bắt nội dung nằm ở việc nhận ra bối cảnh của bài viết. Bối cảnh của chủ đề được đề cập đến có thể thay đổi ý nghĩa của cả một từ hoặc một cụm từ, chính đều này đã gây khó khăn cho các sinh viên quốc tế trong việc theo kịp logic của bài.

Nếu có thể, hãy thử tìm bản dịch của bài viết bạn cần đọc. Với những tiểu thuyết hoặc bài báo nổi tiếng, thì việc này tương đối dễ dàng. Bằng cách này, bạn sẽ xác định được bối cảnh và ý tưởng sau mỗi bài viết để hiểu trọn vẹn nội dung cần chuyển tải. Nhớ là đừng lệ thuộc hoàn toàn vào bản dịch nhé. Hãy chỉ sử dụng nó khi bạn gặp phải một câu hoặc một đoạn văn quá khó.

Ngoài ra, khi tìm kiếm bản dịch thuật, hãy chắc rằng đây là một bản dịch có chất lượng thay vì được dịch từ google translate hay một phần mềm nào đó. Dù các phần mềm dịch thuật đã được cải thiện rất nhiều, nhưng chúng vẫn không thể nhận dạng chính xác bối cảnh và những khác biệt nhỏ trong bài viết. Chính điều này có khi lại còn khiến cho việc đọc hiểu của bạn còn khó khăn hơn đấy 😛

  1. Tập đưa ra những dẫn chứng xác thực, thay vì nêu quan điểm cá nhân
Đọc và viết ở đại học

Source: Google

Những bài viết học thuật đều được viết dựa trên nền tảng của việc nghiên cứu. Có thể hiểu, việc thu thập dẫn chứng và kiểm tra lại thông tin trước khi viết về một đề tài gì đó là rất quan trọng. Nghe thì có vẻ hiển nhiên, nhưng việc nắm bắt và hiểu rõ một vấn đế trước khi đặt bút xuống viết có nghĩa là bạn không được phép thêm vào bài viết những quan điểm vô căn cứ.

Để luyện tập, hãy nghĩ đến một đề tài thân thuộc, chọn một khía cạnh làm bạn hứng thú nhất. Sau đó, tập viết thật nhiều đoạn và chỉ sử dụng những lập luận có cơ sở thôi. Khi bạn viết, hãy chắc rằng bạn biết những thông tin này từ đâu đến. Và nhớ nhé, đây không phải là tiểu thuyết – bạn đang tổng hợp thông tin cho một đối tượng độc giả cụ thể, những người muốn biết bạn có được những thông tin này từ đâu, và tại sao bạn nghĩ mọi người cần biết về thông tin đó.

——–

Dịch bởi The Tree Academy

Source: Blog FlyWire